Cuộc đời là một trường dạy kiên nhẫn và đấu tranh tốt nhất. Trong các khu rừng Phi Châu (savanes… en Afrique tropicale), chúng ta thường thấy những cuộc sống khó khăn và đầy thách thức cho mọi loài, kể cả những loài như sư tử (được gọi là chúa sơn lâm). Để kiếm ăn, sư tử phải săn những con vật to lớn và nguy hiểm, và không hiếm khi chúng nó bị thương nặng hay thiệt mạng vì bị sự chống trả quyết liệt của con mồi. Cả bầy sư tử đói meo vì không săn được con mồi nào cả là hình ảnh ta thường gặp.
Khi nhỏ tôi thích coi những phim tài liệu hay sách vẽ về thế giới động vật. Trí óc non nớt của tôi chỉ là mong những con sư tử bắt hụt mồi, như trâu rừng hay heo rừng…Bởi vì tôi rất buồn khi thấy con mồi bị xé xác ra từng mảnh và bị sư tử ăn thịt. Nhưng đến lúc xem cảnh bầy sư tử bị đói vì bắt hụt mồi, có vài con bị thương vì bị con mồi chống trả, những con mồi to lớn như trâu rừng hay hà mã, thì tôi lại buồn cho những con sư tử bị đói đáng thương này .
Những điều tôi viết trên cho ta thấy tâm con người bị ngoại cảnh chi phối ! Nên tâm mâu thuẩn, có nhiều câu chuyện nói về tâm rất hay, chẵng hạn câu chuyện nói về tâm sau đây .
Ngày xưa bên Nhật, trong một khu làng có một ngôi chùa nhỏ được trụ trì bởi một vị sư già… Trong làng có một cô thôn nữ tuổi cập kê và không hiểu vì ai mà cô có thai rồi sinh ra một bé trai, cô không tìm ra được thủ phạm của vụ này nên cô bồng hài nhi lên chùa trao cho sư cụ và bảo rằng, đây là con thầy, thầy nuôi . Vị sư miễm cười và chỉ trả lời : ” Vậy à ! ” rồi bồng đứa bé đem vào trong chùa nuôi nấng , câu chuyện được truyền ra khắp làng và mọi người đều chê bai và xa lánh sư cụ.
Năm năm sau, cô thôn nữ thấy con mình khá lớn và rất dể thương, lòng thương con nổi lên nên cô lên chùa đòi gặp sư cụ. Gặp sư, cô than vản và nói thằng bé không phải là con sư và xin sư trả đứa bé lại cho cô . Vị sư lần này cũng chỉ miễm cười và chỉ nói như lần trước : ” Vậy à ! ” rồi đem đứa bé giao lại cho cô , chuyện này truyền ra khắp làng và ai cũng khen sư phụ là người đạo hạnh, chân tu .
Ta thấy chỉ hai chữ “vậy à” mà đã giải quyết câu chuyện một cách tích cực và tốt đẹp như trên.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông có nói: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”, nghĩa là khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà không bị nhiễm ô, dính mắc, không khởi vọng tưởng, điên đảo thì đó chính là thiền rồi.
Câu chuyện thiền sư Nhật Bản ở trên đã làm tôi nhớ đến truyện “Quan Âm Thị Kính” của Việt Nam và tôi đã làm một bài thơ với nội dung oan tình như thế mang đề tựa là “Oan Thị Kính”. Nhắc lại truyện của Việt Nam, truyện Quan Âm Thị Kính của VN là tên của một sử thi Hán Nôm , có sức ảnh hưởng nhất định tới nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại. Đây cũng là tác phẩm có lượng tục bản và chuyển thể chỉ lớn sau Truyện Kiều .
Tôn-Thất Mệnh, Montreal ngày 05 tháng 04 năm 2021
OAN THỊ KÍNH
Tôi xuống tóc lúc năm tôi mười tám
Khi vào chùa tôi bị cạo trọc đầu
Cạo đầu tôi sư cụ bảo tôi rằng
“Cầu đạo còn phải cạo tâm con à !”
Cạo tâm hết bụi trần làm tâm đục
Để u mê phải lộ hẳn nguyên hình
Tham, sân, si tâm phải cạo sạch đi
Tu hành như thế mới là chân tu
Nghe sư cụ tôi mỗi ngày thiền tọa
Để tâm hồn thoát khỏi chuyện buồn xưa
Nhưng mà sao đau khổ cứ dây dưa
Lại bị dính vào nổi oan Thị Kính
Ở gần mái chùa có cô thôn nữ
Da dẻ hồng hào ngực nở eo thon
Mỗi lần tôi gặp cô cứ nỉ non
Đẹp trai như thế bỏ chùa theo em
Tôi cũng biết cô nàng không nói dối
Tôi đẹp trai số một ở chùa tôi
Còn nàng thôn nữ vừa chẵn đôi mươi
Nàng chỉ lớn hơn tôi hai tuổi rưởi
Mỗi đêm ở chùa tôi hay ngẫm nghĩ
Phải chi mình cùng nàng kết lứa đôi
Mô Phật, nhưng rồi đôi mắt Như Lai
Từ bi lan tỏa khiến tôi giật mình
Tôi vẫn gắng giữ mình và giữ đạo
Nhưng buồn buồn tôi vẫn kiếm nàng chơi
Dù đùa cợt tôi vẫn không phạm giới
Chỉ xem nàng như tiên nữ xuống trần
Thế là thế…Tôi mắc oan Thị Kính
Chỉ bụng mình nàng nói nó của tôi
Lên chùa nàng “méc” trụ trì : “Thầy ôi !
A Di Đà Phật cháu thầy…Thầy nuôi “
Tôn-Thất Mệnh
Montreal ngày 27 tháng 06 năm 2017