Tôi được đọc bài “Màu Tím Hoa Sim bản nào là đúng nhất?” của nhà thơ Nguyễn Minh Hùng trên mạng vanchuongviet (mạng văn nghệ đồng bằng sông Cửu Long trước đây). Bài viết rất súc tích làm tôi chú ý vì ba lý do. Một là nội dung về bài thơ “màu tím hoa sim” mà hầu như người Việt nào cũng rung động và cảm xúc trước bi kịch đau đớn của nhà thơ, một người lính chinh chiến trong kháng chiến chống Pháp, vào “một chiều rừng mưa”, hay tin người vợ trẻ chết đuối ở hậu phương. Bài thơ này được xem là bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20, cuối năm 2004 công tyVitek mua bản quyền với giá kỷ lục ở Việt Nam. Lý do thứ hai, tôi có đọc trước đây bài của ông Trịnh Hưng đăng trên báo Khởi Hành, số 167 tháng 9, 1997 – do một người bạn gởi cho tôi – về bài thơ Màu Tím Hoa Sim mà nhà thơ Hữu Loan chép tặng cho Trịnh Hưng khi tác giả đến thăm ông ở Thanh Hóa. Sau cùng, vì tôi cũng có may mắn gặp được nhà thơ Hữu Loan vào đầu năm 1988 ở Saigon khi ông ghé nơi này. Thật là dịp hiếm có, vì hầu như ông không đi đâu xa ngoài chốn quê hương Thanh Hóa trong những năm 80. Vì thế tôi đã đọc kỹ, xem có sự khác biệt hay không giữa bản của công ty Vitek với các bản mà vào những gặp gỡ tình cờ, Hữu Loan viết tặng cho những ai quý mến tài và hiểu biết sự gian nan của ông trong đời.
Các bản ông viết từ trước đến nay không khác gì nhiều, chỉ một vài chữ thêm bớt hay hơi khác (như “lớn lên” thay vì “nhớn lên”, “ví” thay vì “hát”). Với một bài thơ viết từ trong đau khổ và theo ông suốt cuộc đời, tôi tin ông khó quên, không chỉ lời thơ, mà cả trạng thái đau đớn yêu thương đầy tiếc nhớ ấy.
Họa chăng không loại bỏ trường hợp là chúng ta đã chép sai hoặc thay đổi để hợp với thể thơ, thể nhạc mình yêu thích. Vì thế dẫn đến nhiều dị bản cũng như đã có nhiều nhạc sĩ phổ thơ của ông một cách khác nhau mà thôi. So sánh với bản của công ty Vitek (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=59258&ChannelID=10) bài thơ anh Nguyễn Minh Hùng đăng trên mạng vanchuongviet, có thiếu một dòng (ghi trong ngoặc)
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
(Những đồi hoa sim)
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Tôi cũng rất tâm đắc bài viết của anh Nguyễn Minh Hùng về những phân tách tình cảnh và sự rung động của người yêu bài thơ. Trước 1975, ở miền Nam bài “Màu tím hoa sim” được đưa vào chương trình học bậc trung học lớp đệ nhị (lớp 11) trong chương về thơ lãng mạng, như Vũ Đức Sao Biển đã đề cập. Thế hệ thanh niên thời đấy đều tiếp cận với bài thơ cũng như hoàn cảnh của Hữu Loan trong giai đoạn Nhân Văn Giai Phẩm.
Nhạc sĩ và nhà văn nhà thơ Vũ Đức Sao Biển, đầu năm 1997 viết một bài tựa đề “Một Đoạn Biên Tập Trong “Màu Tím Hoa Sim”, nói về một bản chép tay của nhà thơ Hữu Loan tặng cho cô Phương tại Đà Nẵng vào tháng 12, 1989 với lời đề tặng “Chép tặng cô Phuơng một tâm hồn, một vấn đề làm mất ngủ những luơng tri.” Bài “Màu Tím Hoa Sim” mà Vũ Đức Sao Biển ghi lại cũng giống như bản anh Trịnh Hưng và tôi có, chỉ thiếu 4 dòng cuối.
Một người bạn văn cho biết bản chị chép tay tặng nhau thời còn nhỏ ở miền Nam thiếu nhiều so với bản của Hữu Loan cho tôi. Dẫu vậy, Màu Tím Hoa Sim là môt bức tranh đẹp mơ màng, mang lại nhiều cảm xúc khác nhau, nhưng đại đa số người Việt đều có suy nghĩ và tình cảm nhất định đối với một số đề tài/nhân vật nhất định. Tôi tin tưởng Hữu Loan ở trong trường hợp này.
Đầu năm 1988, lúc tôi về Saigon, được gặp giáo sư Lê Văn Hảo. Qua một người bạn ở Úc, ông cho biết nhà thơ Hữu Loan đang có mặt ở Saigon tại nhà một người bạn và rủ tôi tới thăm. Thời gian ấy tôi còn phụ trách tờ báo Đất Nước của Hội người Việt Nam ở Úc. Hôm ấy chúng tôi gặp nhà thơ Hữu Loan cùng một số anh chị em nghệ sĩ. Tôi nhớ, họa sĩ Đỗ Quang Em đang phác họa bằng bút chì chân dung của nhà thơ Hữu Loan. Gặp tác giả của những bài thơ nổi tiếng trong thời kháng chiến chống Pháp như “Đèo Cả”, “Yên Mô “, Hoa Lúa”, “Màu Tím Hoa Sim”… là một vinh dự. Tôi thật xúc động lẫn cảm phục về tài năng và cuộc đời đầy gian truân của nhà thơ mà thế hệ chúng tôi đều biết. Hôm đó Hữu Loan đã viết trên mấy tờ giấy vẽ của hoạ sĩ Đỗ Quang Em bài thơ “Màu tím hoa sim” đề tặng kiều bào Úc. Toàn bài thơ ấy và lời ghi chép của ông, tôi đã đăng trong báo Đất Nước tháng 4, 1988.
Điều nhân bản trong Màu Tím Hoa Sim, dù đau xót trong bi cảnh trớ trêu, Hữu Loan không một lời oán hận định mệnh oái oăm. Ông lặng lẽ trút vào thơ nỗi đau đành đoạn. Biến nỗi đau của riêng mình thành nỗi đau chung của những người trai thời ly loạn. Nỗi đau ấy rất thật đến nỗi người yêu thơ ông cứ tưởng mình cũng đang mất người thân. Có ai ngờ được ngày vui nhất của cuộc đời con gái chỉ có mỗi bình hoa, nàng không đòi may áo cưới, mặc dầu thuộc gia đình khá giả. “Chiếc bình hoa ngày cưới” sau đó được đặt ngay cạnh mộ người vợ trẻ, Ở chiến khu, được tin vợ mất, ông trở về làng quê, chỉ còn lại bình hoa. Bình hoa ấy ngày nay ông vẫn giữ trên bàn thờ. “Em ơi, giây phút cuối cùng không được nghe em nói, không được trông nhau một lần” . Ông và mẹ nàng cùng khóc. Những giọt nước mắt muộn màng, không xua nổi bóng tối vây quanh nấm mộ.
Trước khi lấy cô Lê Đỗ thị Ninh, Hữu Loan có dạy kèm cô Ninh và được gia đình ông bà Lê Hữu Kỳ yêu mến như con ruột. Vì thế tình cảm ban đầu với nàng như ngừơi anh với em gái “… yêu nàng như tình yêu em gái”.
Trong ba người anh của vợ ông, thì người anh cả, Lê Đỗ Khôi, mất trong trận đánh ác liệt gần đồi Him Lam ở chiến trường Điện Biên Phủ. Người anh trai thứ hai, Lê Đỗ Nguyên, cũng tham gia trong trận đánh Điện Biên và sau này chính là trung tướng Phạm Hồng Cư, và người anh thứ ba Lê Đỗ An có tham gia kháng chiến nhưng không phải bộ đội tham dự trận đánh Điện Biên. Từ chiến trường, hai ông Khôi và ông Nguyên nhận được tin em gái mất qua một người bạn, trước khi biết tin em lấy chồng. Hai ông nén buồn tiếp tục tham gia chiến dịch và hẹn sẽ gặp nhau lại lúc hoà bình. Nhưng ông Khôi cũng một đi không trở lại, ông cũng nằm lại đâu đó nơi rừng núi Điện Biên.
Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, bài thơ nuôi sống nhiều thế hệ, nhờ ghi lại không chỉ nỗi đau khôn xiết của tử biệt sinh ly, còn vẽ lại hình ảnh đẹp của những ngưòi trai lao mình vào lửa đạn, súng trong tay và hình ảnh người yêu tràn ngập trong tim.
Phụ lục
Bài Màu Tím Hoa Sim Hữu Loan chép tặng kiều báo Úc (2/1988)
Màu tím hoa sim
(Khóc vợ Lê Đỗ-thị-Ninh)
Nàng có 3 người anh
đi bộ đội
những em nàng
có em chưa biết nói
Khi tóc nàng
xanh
xanh
* * *
Tôi người vệ quốc quân
xa gia đình
yêu nàng
như tình yêu em gái
ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giầy đinh bết
bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong là đi
* * *
Từ chiến khu xa
nhớ về ái ngại
lấy chồng đời chiến chinh
mấy người đi trở lại
nhở khi mình không về
thì thương người
vợ chờ
bé bỏng
chiều quê
* * *
Nhưng không chết
người trai khói lửa
mà chết người
gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
má tôi ngồi bên mộ con
đầy bóng tối
chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh
vây quanh
* * *
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi ! giây phút cuối
không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
* * *
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa đèn khuya
bóng nhỏ
nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa … !
* * *
Một chiều rừng mưa
ba người anh,
từ chiến trường Đông Bắc
biết tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về
rờn rợn nước sông
đứa em nhỏ nhớn lên
ngỡ ngàng
nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng
chân mộ chí
* * *
Chiều hành quân
qua những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
dài
trong chiều không hết
màu tím hoa sim
tím
chiều hoang biền biệt
* * *
Có ai hát như từ chiều
ca dao nào
xưa xa
“Áo anh sứt chỉ đường tà
vợ anh chưa có
mẹ già chưa khâu”
* * *
Ai hát vô tình hay
ác ý với nhau
chiều hoang tím
có chiều hoang biết
chiều hoang tím
tím thêm màu da diết
nhìn áo rách vai
tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà,
vợ anh mất sớm..
* * *
Màu tím hoa sim
tím tình tang
lệ rớm…
* * *
Ráng vàng ma và
rừng rúc điệu quân hành
vang vọng chập chờn
theo bóng những binh đoàn
biền biệt hành binh
vào thăm thẳm
chiều hoang màu tím
* * *
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ
dù lâu …(Hữu Loan 1949)
[…] quyền, công bố (Tuoitre) Xem thêm bài “Màu Tím Hoa Sim bản nào là đúng nhất?” Bài Màu Tím Hoa Sim Hữu Loan chép tặng kiều báo Úc (2/1988) Về tự thuật Hai websie hải ngoại đăng từ lâu, không còn nguồn, dẫn […]
Số lượt thíchSố lượt thích